Chiêm ngưỡng đôi Vẹt thờ trưng bày trong BTLSQG và ý nghĩa biểu tượng Vẹt trong đời sống

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, sự thông minh, trí tuệ và bền vững lâu dài được tôn thờ bằng biểu tượng hạc – rùa, song thế kỉ 16 – 17, sự xuất hiện biểu tượng vẹt – rùa thay thế (chủ yếu ở vùng Thanh Hóa) là hiện tượng hiếm gặp. Điều này được minh chứng qua đôi Vẹt thờ, gỗ sơn son thếp vàng, triều Mạc, thế kỷ 16 đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

1.Tại sao lại thờ Vẹt ?

Đôi Vẹt thờ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thể hiện là một cặp trống – mái chạm khắc rất công phu. Vẹt được tạc trên lưng rùa, kích thước khá lớn với chiều cao hơn 2 mét, dáng thon tựa chim hạc, đầu ngẩng cao, mỏ cong đặc trưng của chim vẹt, được trang trí những họa tiết rất sống động với màu lông rực rỡ, cặp mào của con trống và sự gọn gàng, giản dị của con mái… Đặc biệt, với kỹ thuật sơn thếp trên tượng – màu đỏ của son và màu vàng thếp hòa quyện vào nhau tạo cho đôi vẹt thờ trở nên vô cùng trang trọng, đẹp mắt, cho thấy sự tài khéo và óc thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân xưa.

tuong vet o BTLSQG

Tượng Vẹt thờ (con trống), gỗ sơn son thếp vàng, triều Mạc, thế kỷ 16.

tuong vet mai tai BTLSQG

Tượng Vẹt thờ (con mái), gỗ sơn son thếp vàng, triều Mạc, thế kỷ 16.

Liên quan đến việc xuất hiện biểu tượng vẹt – rùa, theo truyền thuyết: trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (quân Ngô), một lần nghĩa quân Lam Sơn bị thất trận phải rút lui vào trong rừng sâu để bảo toàn lực lượng. Trong lúc lương thực hết, nghĩa quân đã kiệt sức thì xuất hiện một con vẹt miệng ngậm quả bồ quân chín đỏ bay qua và thả xuống. Quân lính nghĩ rằng, quả chín chim ăn được chắc rằng con người cũng có thể ăn được và họ liền theo con chim đến một thung lũng chín đỏ quả bồ quân. Những quả bồ quân đó đã giúp cho nghĩa quân Lam Sơn qua khỏi cơn hoạn nạn, tiếp tục chuẩn bị lực lượng chiến đấu chống quân Minh. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi (1427), Lê Lợi lên ngôi vua. Nhớ lại công lao của con vẹt khi xưa, ông đã lệnh cho tạc tượng thờ. Điều đó cho thấy, vẹt thờ xuất hiện rất đỗi tự nhiên trong cuộc sống của con người. Qua đôi vẹt thờ không chỉ phản ánh tâm hồn, ước vọng của người Việt mong muốn cuộc sống an bình mà còn thể hiện tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở đối với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Chim vẹt không chỉ trở thành con vật linh thiêng để thờ mà đã trở thành đề tài trang trí khá phổ biến dưới thời chúa Trịnh, đặc biệt ở quần thể di tích Phủ Trịnh.

Quần thể di tích phủ Trịnh nằm trên địa phận làng Bồng Thượng (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa), nơi đây được xem là hành dinh của nhà Trịnh mỗi lần về quê bái yết tôn lăng, đây cũng là công trình kiến trúc tiêu biểu của thời Lê – Trịnh. Di tích gắn với lễ hội thờ Minh khang thái vương Trịnh Kiểm – vị chúa đầu tiên của dòng họ Trịnh. Phủ Trịnh được xây dựng trên diện tích rất lớn khoảng 10ha, gồm nhiều khu xây dựng bề thế như: Từ phủ là nơi chúa làm việc, tiếp khách; Nội phủ là nơi ở của nhà chúa; khu làm việc của các quan; khu thờ cúng; khu vườn hồ thưởng ngoạn và diễn các trò vui…

Trong quần thể đó, Nghè Vẹt là một trong những ngôi nghè độc đáo của Việt Nam. Di tích Nghè Vẹt được xây dựng trên diện tích khoảng 200m2, chủ yếu làm bằng gỗ gồm tiền đường và hậu cung. Tiền đường gồm 11 gian có ban thờ, bài vị và 12 ông phỗng gỗ tượng trưng 12 chúa Trịnh (Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Trịnh Khải và Trịnh Bồng). Chính giữa hậu cung đặt bài vị đại vương Trịnh La (ông tổ dòng họ Trịnh). Đặc biệt, trong nghè còn có ngựa thờ, vẹt thờ làm bằng gỗ quý, sơn son thếp vàng rất uy nghi, lộng lẫy. Chim Vẹt không chỉ được coi là linh vật mà còn được trang trí trong rất nhiều kiến trúc, trên đồ dùng sinh hoạt… ở Phủ Trịnh như các đòn khiêng kiệu của chúa Trịnh cũng thấy khắc hình chim Vẹt…

Việc nhà Trịnh lấy chim Vẹt làm linh vật bắt nguồn từ truyền thuyết không kém phần ly kỳ: Cách đây khoảng 500 năm, có người tên Trịnh Liễu lấy vợ họ Hoàng ở sách Sóc Sơn (hay còn gọi là Sáo Sơn), huyện Vĩnh Phúc, trước năm 1533 là huyện Vĩnh Ninh, do kỵ húy với vua Lê Trang Tông (húy Ninh) nên đổi là Vĩnh Phúc, đến đời Tây Sơn đổi là Vĩnh Lộc cho đến ngày nay. Gia tư Trịnh Liễu nghèo đói, làm ruộng và bán nước chè kiếm sống nhưng rất ham đọc sách. Trịnh Liễu đi thi đỗ tam trường (tương đương tú tài). Con trai Trịnh Liễu là Trịnh Lan cũng lấy vợ họ Hoàng, người xã Biện Thượng. Con thứ của Trịnh Lan là Trịnh Lân cũng lại lấy vợ họ Hoàng là bà Hoàng Thị Dốc ở thôn Hồ, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Bà Hoàng Thị Dốc chính là người sinh hạ Thái tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm ngày 24 tháng 8 năm Quý Hợi, tức năm 1503 – niên hiệu Cảnh Thống thứ 6 đời vua Lê Thánh Tông.

Theo gia phả tộc Trịnh, Trịnh Kiểm mồ côi cha từ lúc 6 tuổi, sống ở quê ngoại với mẹ là bà Hoàng Thị Dốc. Thuở nhỏ, ông đã tỏ ra là một cậu bé lanh lợi, biết ứng xử, giỏi đối đáp và đặc biệt là rất can đảm, có hiếu với mẹ. Lớn lên, ông là một tay kỵ mã tài giỏi nên một viên tướng nhà Mạc thu nhận, giao chăm sóc huấn luyện đàn ngựa chiến. Được ít lâu có người khuyên Trịnh Kiểm không nên cộng tác với tướng nhà Mạc. Trịnh Kiểm nghe theo, nửa đêm bỏ Ninh Bang hầu trốn đi, mang theo con ngựa chiến đầu đàn. Tướng nhà Mạc hay được, rất tức giận, bắt mẹ của Trịnh Kiểm nhốt vào một cái cũi tre, lấy đá lớn cột lại, thả xuống vực nước sâu. Khi chiếc cũi chìm xuống đáy, thì đêm ấy lạ thay nước sông như sôi lên, sấm chớp cùng mưa nguồn cuồn cuộn đổ về, nước chảy mạnh như muốn xô trôi cả hai bờ sông cũ. Sáng ra trời ngừng mưa, người quanh vùng hết sức kinh ngạc khi thấy nơi vực xoáy nhấn chìm mẹ Trịnh Kiểm chiều hôm trước bỗng nổi lên một gò đất lớn chạy từ giữa sông vào bờ, thành ngôi mộ thiên táng kỳ lạ ôm giữ thi hài của bà. Lạ hơn, phía trên ngôi mộ có một đàn Vẹt đông đảo bay kín như một đám mây lượn quanh bảo vệ, che chở cho bà. Đàn vẹt ở đó rất lâu rồi bay đi. Vì vậy, nhà Trịnh rất tôn thờ chim Vẹt và coi đó là biểu tượng của dòng họ mình. Từ đó, Trịnh Kiểm đã đặt tên nơi này là Nghè Vẹt.

Cho đến nay, những câu chuyện về việc thờ chim Vẹt chỉ là những giai thoại, nhưng được người dân lưu truyền, trân trọng như một nét văn hóa độc đáo tại quê hương. Cùng với nó, những giá trị lịch sử, văn hóa của di tích Nghè Vẹt (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (năm 1995). Hiện nay, di tích Nghè Vẹt đã và đang trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

2. Ý nghĩa của việc thờ Vẹt và tượng vẹt trong đời sống

Đôi vẹt thờ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ là hiện vật độc đáo, quý hiếm mà qua những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn về chim vẹt giúp cho chúng ta hiểu được phần nào về tín ngưỡng, cầu sự bình yên, an bình cũng như thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn sâu sắc trong mỗi con người Việt Nam.

Vẹt được biết đến là một loài chim thông minh, một số con vẹt có thể nói được tiếng người chính vì vậy ngày nay cũng có không ít gia đình nuôi vẹt hay trưng bày tượng vẹt trong nhà. Trưng bày tượng Vẹt không chỉ để làm đẹp cho không gian mà còn để cầu mong con cái khôn ngoan thông minh như những chú vẹt. Đôi chim vẹt 1 trống 1 mái cũng là biểu tượng đem lại hạnh phúc tràn đầy cho gia đình.

tượng vẹt

Trên đây là ý nghĩa biểu tượng của Vẹt trong đời sống, tượng vẹt rất thích hợp để trang trí phòng khách hay phòng ngủ,…Bạn cũng có thể làm quà tặng tân gia, quà tân hôn vô cùng ý nghĩa.

 

Zalo
Messenger
Form liên hệ

Đăng ký nhận tư vấn